Đấu trường sôi động: Đấu bò Hàn Quốc và chọi trâu Việt Nam - Có ai chiến thắng?
Đó là truyền thống cần giữ hay là bạo lực động vật cần hạn chế? Vì một thế giới dễ thương hơn và bớt đổ máu.
Có lẽ do rất ấn tượng với những câu tục ngữ, thành ngữ như “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng” nên mình có tình cảm rất nhiều với những chú trâu hiền lành, chăm chỉ, dù không lớn lên ở bối cảnh làm nông hay nhìn thấy trâu bò hàng ngày.
Hồi năm 2017, sau khi đọc một chuỗi bài về chọi trâu Đồ Sơn, mình bị ám ảnh và rất buồn với một số chi tiết liên quan đến hậu vận của những chú trâu chọi, ví dụ như: Trâu thua cuộc sẽ bị xẻ thịt, trâu thắng cuộc cũng bị xẻ bán nhưng với giá cao hơn. Phút trước làm anh hùng, phút sau đã lên phản thịt. Có gì đó thật chua xót, đáng tiếc, dù biết đó là lễ hội truyền thống đã kéo dài nhiều năm.
Với ý nghĩ tìm hiểu xem ở các nước khác thì lễ hội chọi trâu bò diễn ra như thế nào, mình tổng hợp và dịch một số nguồn về lễ hội đấu bò ở Hàn Quốc như dưới đây. Bài có bổ sung thêm các dẫn chứng mới của năm 2024.
Đúc rút chung là đấu bò ở Hàn được tổ chức như một môn thể thao và cá cược chuyên nghiệp, không nhấn mạnh tính sống còn, quyết tử của những chú bò, mà bò bên nào bỏ chạy là tính thua luôn. Mình thấy nó dễ thương và dễ tiếp cận, dễ cảm thụ với người xem hơn trong thời hiện đại ngày nay. Tuy vậy cũng có nhiều ý kiến phản đối việc duy trì môn thể thao này.
Mời các bạn cùng chu du sang Hàn (qua báo) với mình xem họ làm đấu bò như thế nào nhé ˆˆ
Cuộc thi đấu bò Jinju vào thứ Bảy hàng tuần, hình ảnh năm 2014
Đấu bò ở Hàn có phổ biến không?
Hiện tại, có 11 chính quyền địa phương, bao gồm quận Dalseong ở tỉnh Daegu, quận Cheongdo ở tỉnh Kyungsangbuk, thành phố Changwon, Jinju, Gimhae, Uiryeong, quận Hamyang và Changnyeong ở tỉnh Kyungsangnam, tổ chức các cuộc thi đấu bò hàng năm (nguồn: JoongAng Ilbo).
Vì sao đấu bò lại thú vị?
Theo BTC Đấu Bò Cheongdo, một cơ quan nhà nước của Hàn, đấu bò khác với một cuộc đua. Cuộc đua thường chỉ hay ở cuối (đoạn nước rút về đích) nhưng đấu bó là một trận đấu đối kháng nên sẽ hay từ đầu đến cuối.
Các trò chơi cá cược cơ bản có thể bị điều khiển bởi người đua. Tuy vậy với chọi bò, BTC nhấn mạnh, “do đối tượng tham gia là bò nên ít có khả năng gian lận” ˆˆ.
Trận đua bình thường có 5 nhân vật trở lên, còn đấu bò là cuộc đấu 1:1 nên rất dễ theo dõi.
Khác với Taekwondo hay đấu quyền – các bộ môn có cách tính điểm phức tạp, đấu bò có cách tính thắng-thua đơn giản nên thường không có phàn nàn hoặc việc thay đổi kết quả.
Quy định đấu
Các quy định phổ biến là:
Mỗi trận không quá 30 phút.
Trường hợp bò tấn công người hay các sự kiện khác theo một bộ luật thi hành cụ thể thì trọng tài ngay lập tức dừng trận đấu.
Trận đấu kết thúc khi đã có tín hiệu thắng-thua hoặc đã quá 30 phút từ khi bắt đầu. Khi hết trận, huấn luyện viên nhanh chóng đưa bò ra khỏi sàn đấu, trọng tài thiết lập lại sàn chơi.
Phân định thắng thua
Nếu 3 trên tổng số 5 trọng tài quyết định một chú bò thắng trong vòng 3 giây, kết quả được chốt và trận đấu kết thúc.
Trận đấu có thể có thắng, thua hoặc hoà.
Bò như thế nào thì là bò chọi xịn?
Sừng: Tốt nhất là sừng lớn và khoảng cách giữa các sừng hẹp. (Nhưng xem qua video thì thấy sừng bò Hàn không là gì so với sừng trâu nước mình, huhu).
Mắt: Đôi mắt sắc bén chứ không rụt rè như những con bò thông thường.
Thể hình: Các cơ ở phần trên cơ thể càng phát triển, đặc biệt là quanh cổ thì càng tốt, trong khi các cơ ở phần dưới cơ thể, nhất là mông, càng kém phát triển thì càng tốt. Cơ thể phải dài, cột sống phải thẳng, không bị cong.
Tai: Tai của bò càng nhỏ thì càng ít nhận phải sát thương từ đòn tấn công của đối thủ.
Đuôi: Thống kê cho thấy đuôi của bò càng dài thì sức chịu đựng của nó càng mạnh.
Cân nặng:
Hạng cân nhẹ nhất: 600kg~700kg
Hạng cân trung bình: 701kg~800kg
Hạng nặng: 801kg trở lên ~
Diễn tiến một trận đấu
Theo tường thuật từ blogger 아이B, Các trận đấu diễn ra mỗi thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần. Bò chia theo hai đội Xanh và Đỏ. Nếu bò bỏ chạy thì trận đấu kết thúc. Các trận mà blogger này theo dõi ngắn thì tầm vài chục giây, dài thì khoảng 10 phút.
Trước trận đấu công bố thông tin 2 đấu thủ bò để khán giả chọn cược.
Thông tin gồm: Tên bò, tuổi, giống, hình dáng sừng, thể trọng, chủ nhân, nơi sinh, nơi huấn luyện, người huấn luyện, tỉ lệ thắng-thua, đẳng cấp, thứ hạng năm trước, lịch sử thi đấu 5 trận gần nhất. Ngoài ra có thể cần cả tuổi và kỹ năng đặc biệt của bò chọi.
Thông tin điền trên phiếu cược: Trận nào, cược 1 trận hay cả giải, chọn bò số mấy, tiền cược (từ 100 won đến 100,000won = 2 triệu).
Theo dõi tỉ lệ cá cược (Nguồn: 아이B)
Khi vào trận, các trọng tài vào chào khán giả.
Đọc lời tuyên bố: “Đây không phải là trận đấu mà là buổi biểu diễn!”.
Sau trận đấu, mang phiếu đăng ký cược ra quầy thông tin để đổi tiền.
Phiếu điền kèo cá cược của người xem (Nguồn: 아이B)
Từ đấu bò Hàn Quốc nghĩ về chọi trâu Việt Nam
Sừng bò Hàn nhỏ, tù hơn sừng trâu chọi Việt Nam, nhưng cũng có khả năng gây thương tích (có thể thấy đầu bò đối thủ có vết máu, nhưng hình ảnh không quá máu me, bạo lực). Bò thi đấu ở Hàn Quốc có 1 tiêu chí là tai phải nhỏ để hạn chế khả năng bị đối thủ đâm sừng xuyên vào tai.
Bò cứ bỏ chạy là tính thua chứ không cần chờ bị húc. Ngược lại, sân đấu của họ có các lớp lang hàng rào bảo vệ nhìn vững chãi hơn và an toàn hơn bên Việt Nam. Giữa khu vực thi đấu và khán giả có 1 khoảng trống và ít nhất 3 lớp rào chắn.
Niềm vui xem đấu bò của Hàn đến từ việc xem thi đấu và cá cược, không có yếu tố máu me hay chờ xẻ thịt trâu như bên mình. Bò có tên chính thức, ví dụ trong ảnh là bò “Khai thiên” đấu với “Duksin” chứ không chỉ gọi bằng những con số vô tri như “Trâu số 18”. Mỗi chú bò có một cuộc đời được biết đến như sinh ở đâu, luyện tập với ai, chủ nhân là ai. Bò có lịch sử thi đấu, đợt này không vô địch thì thi tiếp đợt sau chứ không bị ra đi.
개천 - 덕신 (Khai Thiên - Duksin)
Trâu ở lễ hội Đồ Sơn với cặp sừng cực chiến và gây sát thương tối đa cho đối thủ :(
Khi trâu chọi đã hăng máu, không ai có thể cản nó lại.
Hình ảnh trâu thua cuộc bị kéo ra khỏi sân đấu ở Đồ Sơn. Con thắng cuộc cũng ra khỏi sân trong tình trạng tương tự, nhưng khác là được gọi là “Ông”. Mình đã rất buồn khi xem những hình ảnh này.
Con trâu với Việt Nam và con bò Hàn Quốc quan trọng như nhau, đều là đầu cơ nghiệp, thời khó khăn không ai dám hoặc nỡ giết trâu. Đến khi ấm no thì thịt bò Hàn là món siêu cao cấp, ăn miếng nào quý miếng đó. Cả hai nước đều đang duy trì chọi trâu, đấu bò thuyền thống.
Mình không cho rằng cái gì của Hàn cũng là hay, nhưng ở bối cảnh hai bên có nhiều nét tương đồng và Hàn Quốc đang đi trước thì việc xem họ đang làm như nào để tham khảo cũng là việc nên làm. Người Hàn thực dụng quá đi ấy chứ, họ thu vé vào cổng và tổ chức cá cược cơ mà! Nhưng họ không nuôi bò chỉ để chúng nó giết nhau…
Sau trận đấu chọi trâu ở Việt Nam, cả trâu thắng và thua đều sẽ bị xẻ thịt đem bán với giá cao. Ở Hàn thì thịt bò chọi lại không được ưa chuộng. Bò chọi có cơ bắp nên thịt dai và không có mùi vị nên không bán được trên thị trường. Nói rõ hai chiều để thấy không phải cứ Hàn không ăn thịt bò chọi thì là họ nhân đạo đâu, mà có thể đó là do khẩu vị thôi. Nhưng mình vẫn không bỏ qua được sự lấn cấn khi bên mình xẻ thịt những chú trâu đã rất gắn bó với chủ và người huấn luyện, nhất là ngay-sau trận đấu, khi chú trâu mới hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất đời của nó.
Tranh cãi kéo dài: Đấu bò có phải là ngược đãi động vật? Hay là một truyền thống, di sản văn hoá cần duy trì?
Năm 2002, luật về các cuộc thi đấu bò truyền thống được ban hành, tạo điều kiện cho việc thi đấu biểu dẫn có cá cược một cách hợp pháp (theo Wiki Namu).
Tuy vậy, có nhiều tranh cãi về việc đấu bò có vi phạm luật bảo vệ động vật hay không. Đạo luật Bảo vệ Động vật của Hàn cấm "các hành vi gây thương tích cho động vật vì các mục đích như đánh bạc, quảng cáo, giải trí, giải trí, v.v.", nhưng loại trừ các trường hợp do Pháp lệnh của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn quy định, trong đó có môn đấu bò. Đấu bò được công nhận là môn thể thao dân gian và là một ngoại lệ.
Chưa nói đến nguy cơ gây thương tích cho bò hai bên, riêng “việc nuôi chúng với chế độ đặc biệt, gồm cả súp rắn và rượu soju, mà bò vốn là động vật ăn cỏ, rồi buộc chúng phải trải qua quá trình huấn luyện và chiến đấu khắc nghiệt, bản thân nó đã là hành vi lạm dụng”.
Cục Quản lý Di sản Văn hóa Hàn Quốc nhận được phản ứng dữ dội từ các nhóm động vật khi đưa môn đấu bò vào cuộc khảo sát để được công nhận là tài sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tổ chức Đoàn kết Tự do Động vật cho biết: “Tính lịch sử và tính truyền thống của việc đấu bò có thể được bảo tồn ngay cả khi đó không phải là hành động trực tiếp đấu bò". Họ lấy dẫn chứng về trò chơi 'Yeongsan Swemeori Daegi' (영산쇠머리대기), được tổ chức tại tỉnh Kyungsangnam, là một trò chơi trong đó một con bò làm bằng gỗ được vác trên vai và dùng để "đấu nhau”, và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Hàn Quốc. Tổ chức bày tỏ thêm quan điểm mà mình thấy rất đồng tình:
“Truyền thống có thể được duy trì theo những cách khác nhau, nhưng việc ngược đãi động vật không nên được coi là một truyền thống”.
Cuối cùng thì, “truyền thống” không phải cái bất biến mà vẫn là sáng tạo và vun đắp của con người. Chúng ta có quyền chọn lọc và xây dựng những truyền thống mới tốt đẹp, nhân văn hơn cho thế hệ sau.
Mong sao không chỉ ở Hàn mà cả ở Việt Nam, các lễ hội cũng sẽ cải tiến, biến đổi để thân thiện với người tham gia, an toàn với trâu bò hay động vật khác tham gia biểu diễn, và sẽ đóng góp tích cực hơn nữa cho việc quảng bá văn hoá và kinh tế địa phương.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
Quào, em được biết thêm 1 thông tin mới hay quá, cảm ơn chị
một bài viết rất hay và rất chu đáo. Bravo Vân <3